Thông tin luận án Tiến sĩ Trần Duy Phong

Tên luận án: Nghiên cứu sử dụng một số kỹ thuật tiên tiến và công nghệ tích hợp để chế biến toàn diện rong nâu thành các sản phẩm hữu ích
Chuyên ngành: Kĩ thuật Hóa học; Mã số: 9 52 03 01
Họ và tên học viên: Trần Duy Phong
Họ và tên cán bộ hướng dẫn 1: GS.TS. Phạm Quốc Long
Họ và tên cán bộ hướng dẫn 2: PGS.TS. Trần Quốc Toàn
Cơ sở đào tạo: Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN

Nghiên cứu sử dụng tích hợp các kỹ thuật tiên tiến như siêu âm, vi sóng, enzyme, ly tâm tốc độ cao... để xây dựng quy trình công nghệ chế biến toàn diện rong Nâu thành các sản phẩm có giá trị cao (phenolic, fucoidan, alginate...), xử lý phụ phẩm của quá trình chế biến, đồng thời đánh giá chất lượng sản phẩm và một số hoạt tính sinh học của chế phẩm bột Canxi alginate.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN

- Khảo sát hàm lượng alginate, hàm lượng acid béo và lớp chất lipit; Nghiên cứu dự đoán khả năng ức chế enzyme Tyrosinade của một số hợp chất chiết xuất từ chi rong Mơ, ngành rong Nâu bằng phương pháp sàng lọc ảo (in silico docking).

- Xây dựng quy trình công nghệ chế biến toàn diện rong Nâu thành các sản phẩm có giá trị cao như phenolic, fucoidan và alginate bằng các kỹ thuật tiên tiến ( vi sóng, enzyme, siêu âm, ly tâm tốc độ cao…) và nghiên cứu xử lý phụ phẩm của quá trình chế biến.

- Sử dụng phương pháp đáp ứng bề mặt để tối ưu hóa công nghệ chiết xuất phenolic từ rong Nâu theo phương pháp hỗ trợ vi sóng.

- Đánh giá chất lượng, hoạt tính sinh học của chế phẩm Canxi alginate.

TÓM TẮT NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

1) Đã khảo sát, đánh giá nguyên liệu rong Nâu thu nhận từ các vùng biển Việt Nam, lựa chọn được đối tượng rong phù hợp để chiết xuất tối đa hàm lượng alginate và sản xuất chế phẩm Canxi alginate. Tiến hành đánh giá hoạt tính chống loãng xương, độ an toàn, tác dụng đào thải các kim loại nặng của Canxi alginate.

 2) Lần đầu tiên tiến hành sàng lọc ảo (in silico docking) đối với các hợp chất phenolic từ rong Nâu để đánh giá tiềm năng ức chế enzyme Tyrosinase, qua đó định hướng cho nghiên cứu tiếp theo về thực nghiệm sản xuất chế phẩm làm trắng da.

3) Lần đầu tiên tối ưu hóa bằng phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) đối với quy trình chiết xuất phenolic từ rong Nâu theo phương pháp hỗ trợ vi sóng.

4) Lần đầu tiên sử dụng tích hợp các kỹ thuật tiên tiến (chiết siêu âm, chiết vi sóng, chiết enzyme...) để chiết xuất toàn diện các sản phẩm có giá trị từ đối tượng rong Nâu.