Tên luận án: Nghiên cứu thành phần lipid và hoạt tính chống oxi hóa một số hạt thực vật họ đậu (Fabaceae) ở Việt Nam
Chuyên ngành: Hóa học các hợp chất thiên nhiên; Mã số: 9 44 01 17
Họ và tên học viên: Nguyễn Thị Thủy
Họ và tên cán bộ hướng dẫn 1: PGS.TS. Đoàn Lan Phương
Họ và tên cán bộ hướng dẫn 2: GS.TS. Phạm Quốc Long
Cơ sở đào tạo: Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam
ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ NHIỆM VỤ CỦA LUẬN ÁN
Đối tượng nghiên cứu: 11 loài thực vật có hạt ở Việt Nam thuộc họ Đậu.
Nhiệm vụ của luận án:
- Xác định hàm lượng và thành phần lipit, acid béo, tocopherol, phytosterol, TG, hợp chất phenolic tổng, phospholipid có trong hạt của 11 loài thực vật họ Đậu ở Việt Nam: Đậu tương leo (Glycine soja), Củ đậu (Pachyrhizus erosus), Đậu ngự (Phaseolus lunatus), Đậu đỏ (Vigna angularis), Đậu trứng cuốc (Vigna unguiculata), Đậu trắng (Phaseolus vulgaris), Trắc bàm bàm (Dalbergia entadioides), Cẩm lai vú (Dalbergia mammosa), Sưa (Dalbergia tonkinensis), Muồng hoàng yến (Cassia fistula), Cà te (Afzelia xylocarpa).
- Xác định các dạng phân tử phospholipid của mẫu hạt Sưa (Dalbergia tonkinensis Prain).
- Xác định hoạt tính chống oxi hoá theo phương pháp DPPH và khảo sát tiềm năng chống oxi hóa của một số acid phenolic bằng phiếm hàm mật độ (DFT) hiệu năng cao.
TÓM TẮT NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1- Về mặt học thuật và lý luận: Luận án đã nghiên cứu đầy đủ, có hệ thống từ nguyên liệu, thành phần hóa học, đến cấu trúc phân tử và hoạt tính sinh học theo DPPH và phiếm hàm mật độ DFT hiệu năng cao của 11 mẫu lipid hạt họ Đậu.
2- Về kết quả nghiên cứu và khảo sát của luận án:
- Lần đầu tiên 11 hạt thực vật thuộc họ Fabaceae (Họ Đậu) ở Việt Nam, bao gồm nhóm các cây dinh dưỡng, y, dược và nhóm các cây công nghiệp đã được nghiên cứu hệ thống đầy đủ về hàm lượng lipid, một số lớp chất cơ bản trong lipid, thành phần và hàm lượng: triglyceridee, acid béo, tocopherol, phytosterol, phenolic.
- Lần đầu tiên xác định được thành phần và hàm lượng các phospholipid trong lipid tổng của 11 mẫu hạt họ Đậu nghiên cứu và khảo sát nhận dạng được “các dạng phân tử” trong trong phospholipid của hạt Sưa trên công cụ LCMS-IT-TOF cho thấy có 5 dạng phân tử của PE, 5 dạng phân tử của PC và 2 dạng phân tử của PI.
- Đã khảo sát hoạt tính chống oxi hóa 11 mẫu hạt nghiên cứu theo phương pháp DPPH và lần đầu tiên khảo sát tiềm năng chống oxi hóa của một số acid phenolic bằng phiếm hàm mật độ (DFT) hiệu năng cao: Acid gallic (GALA), acid caffeic (CAFFA), acid ferulic (FERA), và acid chlorogenic (CHLA) là chất chống oxy hóa phản ứng mạnh nhất xảy ra thông qua quá trình HAT. Trong đó, acid chlorogenic (CHLA) là chất chống oxy hóa phản ứng mạnh nhất thông qua phản ứng HAT với năng lượng hoạt hóa tự do thấp nhất và tốc độ phản ứng cao nhất. Các kết quả tính toán trên cũng phù hợp với kết quả thực nghiệm trên DPPH.