Tên luận văn: Khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố môi trường biển đến sự biến động thành phần lipid của san hô Sinularia flexibilis ở Việt Nam
Chuyên ngành: Công nghệ môi trường; Mã số: 8 52 03 20
Họ và tên học viên: Nguyễn Thị Nga
Họ và tên cán bộ hướng dẫn 1: TS. Phạm Minh Quân
Họ và tên cán bộ hướng dẫn 2: TS. Đặng Thị Phương Ly
Cơ sở đào tạo: Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam
TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN
San hô mềm Sinularia flexibilis được thu thập trong 12 tháng liên tục tại vùng biển Nha Trang, Khánh Hòa lần đầu tiên được khảo sát sự ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường đến sự biến động thành phần lipid một cách cụ thể trong điều kiện liên tục trong năm.
- Đã thu thập được các kết quả của một số chỉ tiêu môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, pH, DO và TSS trong 12 tháng liên tục trong năm mà đề tài đã lựa chọn và đánh giá là có khả năng ảnh hưởng đến sự biến động thành phần lipid của mẫu san hô nghiên cứu. Các chỉ tiêu môi trường phụ thuộc rất lớn vào yếu tố mùa trong năm và có sự dao động mạnh từ tháng 10 đến tháng 3 đặc biệt là tháng 10, tháng 11 và tháng 12 do có sự xuất hiện của các cơn bão.
- Đã xác định được hàm lượng lipid tổng của mẫu san hô mềm Sinularia flexibilis trong 12 tháng. Hàm lượng lipid tổng dao động từ 2.27 % đến 4.54 %. Hàm lượng lipid tổng có sự tương quan thuận với nhiệt độ nước biển, tăng dần khi nhiệt độ nước cao và thấp khi nhiệt độ nước hạ thấp. Theo đánh giá hàm lượng lipid tổng của mẫu san hô mềm Sinularia flexibilis phụ thuộc rất nhiều vào môi trường nước biển nơi cư trú. Ngoài ra có 2 chỉ tiêu môi trường nghiên cứu là DO và pH có sự dao động nhẹ nhưng không có quá nhiều ảnh hưởng đến sự dao động của hàm lượng lipid tổng nghiên cứu.
- Đã xác định được thành phần và hàm lượng các lớp chất lipid trong lipid tổng của mẫu san hô mềm nghiên cứu trong 12 tháng. Kết quả thu được có mặt đầy đủ các lớp chất cơ bản như các đối tượng san hô khác: các lớp chất lipid cấu trúc là lipid phân cực (PL), sterol (ST); các lớp chất lipid dự trữ triacylglycerol (TG), monoalkyldiacylglycerol (MADG), hidrocacbon sáp (HW); và axit béo tự do (FFA). Trong đó lớp chất HW và MADG chiếm hàm lượng trung bình cao nhất xét trong giá trị trung bình của mẫu nghiên cứu. Lớp HW có hàm lượng đạt giá trị cao nhất vào tháng 5 và tháng 6 cũng là tháng có nhiệt độ nước biển cao và thấp nhất vào tháng 12 với nền nhiệt độ chỉ 24.4 o Lớp chất này cũng bị dao động theo nồng độ TSS và nồng độ muối vào các tháng 9 và tháng 12 khiến hàm lượng cũng thấp hơn các tháng có nồng độ ổn định. Lớp MADG cũng dao động theo nền nhiệt độ nước biển nhưng có sự chênh lệch không cao. Lớp chất này cũng có xu hướng giảm hàm lượng vào các tháng có nhiệt độ thấp và các chỉ tiêu môi trường khác có sự dao động mạnh là tháng 11, tháng 12 và tháng 1. Lớp chất FFA là lớp chất chiếm hàm lượng nhỏ nhất lại có xu hướng tăng cao khi nhiệt độ nước biển hạ thấp, nhất là vào tháng 11 và tháng 12 có hàm lượng cao nhất. Lớp chất này cũng ít bị tác động nhiều bởi các yếu tố môi trường khác. Lớp chất chiếm tỉ lệ đáng kể trong lipid tổng của mẫu san hô nghiên cứu là lớp PL chiếm tỉ lệ trung bình 19,35 % là các mẫu thu vào tháng 9 đến tháng 4. Lớp này cùng lớp chất ST nghiên cứu có hàm lượng tăng cao hơn về các tháng có nền nhiệt độ thấp và có sự biến động mạnh về các chỉ tiêu khác của môi trường. Điều này chứng tỏ các chỉ tiêu môi trường nghiên cứu chưa có sự tác động mạnh lên hàm lượng của hai lớp chất này ngoài chỉ tiêu nhiệt độ nước biển. Lớp chất TG rất nhạy cảm với sự biến đổi của các thông số môi trường.
- Đã nhận dạng được 38 axit béo từ C12 tới C24, chiếm thành phần chủ yếu trong axit béo no là các axit béo C16:0 và C18:0 và axit béo no C16:0 có sự biến động rõ ràng khi nhiệt độ nước biển tăng hoặc giảm. Trong tất cả 12 tháng, hàm lượng axit béo no chiếm ưu thế so với axit béo không no, 2 hàm lượng này chênh lệch nhiều nhất ở mẫu S-T7 và S-T8.. Trong thành phần axit béo không no, các axit béo n-3 và n-7 và n-9 có sự biến động đáng kể theo các chỉ tiêu môi trường nhưng theo cách ngẫu nhiên trong năm không phát hiện được cực đại và cực tiểu của chúng nên chưa tìm được mối tương quan rõ ràng giữa môi trường và thành phần axit béo không no này. Lipid của san hô Sinularia flexibilis có hàm lượng các axit béo arachidonic 20:4n-6 và 20:5n-3 rất cao đặc biệt vào những tháng có nền nhiệt độ lạnh hơn những tháng có nền nhiệt độ thấp. Sự xuất hiện với hàm lượng thấp của 22:6n-3 và có sự xuất hiện của axit hiếm 22:5n-6 với hàm lượng rất thấp vào các tháng có nền nhiệt độ nước biển cao và hàm lượng cao hơn vào các tháng có sự biến động mạnh về độ đục, độ muối kết hợp với sự giảm mạnh về nhiệt độ nước biển. Đối với các axit béo không no khác chưa quan sát thấy mối quan hệ rõ ràng giữa hàm lượng đối với sự biến động của môi trường nước biển.
Như vậy, khi thực hiện nghiên cứu, khảo sát về sự biến động trong 12 tháng của lipid tổng, thành phần và hàm lượng các lớp chất lipid và thành phần và hàm lượng các axit béo trong lipid tổng dưới sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường biển mang đến những thông tin mới cải thiện chất lượng nước biển tại khu vực lên các thành phần lipid và axit béo giúp các nhà khoa học có cái nhìn sâu hơn về sức chống chịu cũng như khả năng sinh tồn của loài san hô Sinularia flexibilis này dưới những biến đổi khí hậu và ô nhiễm nguồn nước biển hiện nay