Trong không khí chuẩn bị cho công tác đại hội đại biểu các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) lần thứ IX và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập, ngày 26/12/2024, Viện Hàn lâm đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Cường - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Thiếu tướng Bùi Trọng Thế - Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an, đồng chí Trần Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam, các đồng chí đại biểu đại diện các Ban, Bộ ngành trung ương và địa phương. VS.GS Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm chủ trì Hội nghị tổng kết. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; các đồng chí nguyên lãnh đạo Viện Hàn lâm qua các thời kỳ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và đại diện các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu thi đua trong năm 2024.
VS.GS Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội nghị
Năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn do tác động của các yếu tố trong và ngoài nước, như xung đột vũ trang tại nhiều nơi trên thế giới, tình hình kinh tế còn nhiều biến động, ảnh hưởng chung đến các mặt hoạt động của Viện. Nhưng toàn thể cán bộ, nhà khoa học, viên chức và người lao động của Viện Hàn lâm đã nỗ lực hết mình, phát huy tinh thần đoàn kết và hoàn thành tốt các chỉ tiêu của năm 2024. Các kết quả này đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 8 nhiệm kỳ 2020 – 2025, tạo đà thuận lợi cho chúng ta bước vào đại hội đại biểu đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 9 nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Trong tháng cuối năm, Viện Hàn lâm đã hoàn thành phương án sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thực thuộc theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương. Viện đã giảm 14 đầu mối trực thuộc, từ 38 đơn vị xuống 24 đơn vị (giảm 36,8%) theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18. Các báo cáo, hồ sơ đã được Viện hoàn thành đúng tiến độ và trình Chính phủ theo quy định nhằm đảm bảo các đơn vị trực thuộc sớm đi vào hoạt động ổn định.
Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về “đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, trong đó có các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, bao gồm rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung: Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo. Đầu tư, nâng cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng các cơ sở nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trọng điểm quốc gia. Sáp nhập, giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động không hiệu quả.
Nghị quyết 57 được ban hành vào thời điểm này, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, là cơ hội để nền khoa học công nghệ Việt Nam nói chung, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nói riêng vươn mình, bứt phá trong giai đoạn tới, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong năm 2024, Viện đã triển khai tốt các nhiệm vụ quan trọng do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ, công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự án xây dựng Trường Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội,... Viện cũng đã hoàn thiện 03 đề án do Chính phủ giao và hiện đang chờ ý kiến đóng góp của các Bộ ngành để trình Chính phủ theo đúng tiến độ. Công tác tư vấn cho Chính phủ tiếp tục được Viện đẩy mạnh trong năm, nhiều ý kiến tư vấn đóng góp của Viện về phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ chủ quyền quốc gia,... đã được Đảng và Chính phủ ghi nhận.
Viện hoàn thành tốt các hoạt động thường xuyên theo chức năng, về nghiên cứu cơ bản: Số lượng và chất lượng các công trình công bố của Viện tiếp tục có sự tăng trưởng trong năm 2024. Các nhà khoa học của Viện đã công bố trên 2200 công trình trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Trong số các công bố trên các tạp chí quốc tế, hơn 81% các công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín chất lượng cao (trong danh mục Q1, Q2 hoặc chỉ số IF > 1). Tỷ lệ công bố quốc tế trên số tiến sỹ của Viện đã đạt hơn 1,8 công trình công bố quốc tế/ tiến sỹ, tương đương các tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới. So với giai đoạn trước, số lượng công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín chất lượng cao có sự tăng trưởng mạnh, đạt trung bình 17% hàng năm, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 8. Công tác điều tra cơ bản tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cung cấp những thông tin và luận chứng khoa học quan trọng phục vụ công tác xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong cả nước.
Năm 2024, Viện tiếp tục tổ chức vinh danh 7 công trình xuất sắc thuộc các lĩnh vực: Toán học - Công nghệ thông tin, Cơ học - Vật lý - Công nghệ Vũ trụ, Hóa học, Công nghệ sinh học, Khoa học vật liệu, Khoa học Trái đất, và Môi trường - Năng lượng. Đồng thời, nhiều đơn vị và cá nhân của Viện đã được trao các giải thưởng danh giá như Kovalevskaia và Tạ Quang Bửu. Bên cạnh đó, Viện cũng triển khai thành công nhiều nhiệm vụ khoa học trọng điểm như Chương trình phát triển vật lý, Toán học, nghiên cứu cơ bản trong hóa học, khoa học sự sống, và chuyển đổi số, cùng các chương trình mới như nghiên cứu cơ bản chất lượng cao. Hai trung tâm Khoa học quốc tế duy nhất ở Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ là Trung tâm Vật lý Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Quốc tế về Toán học, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, thu hút các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước.
Về nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ: Năm 2024, Viện đã được cấp 62 bằng sở hữu trí tuệ, trong đó có 4 bằng sáng chế quốc tế. Như vậy từ năm 2020 đến nay Viện đã được cấp gần 300 bằng sở hữu trí tuệ, tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước vượt chỉ tiêu (5% hàng năm) đề ra tại Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 8. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp và địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Về công tác hội nhập quốc tế, Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác hợp tác quốc tế. Viện tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác mới, duy trì hợp tác bền chặt với các đối tác truyền thống, đồng thời quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.Viện đã tăng cường trao đổi các đoàn khoa học; tích cực trong các hoạt động đàm phán, ký kết hợp tác với các đối tác quốc tế, thực hiện các dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong hoạt động đối ngoại; tích cực trao đổi, đàm phán với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước xúc tiến thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao; đồng thời quản lý chặt chẽ công tác hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, năm 2024, Viện đã nâng cấp các nhiệm vụ theo chương trình hợp tác song phương với Liên bang Nga với các tiêu chí chú trọng vào chất lượng nghiên cứu cơ bản. Viện cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) triển khai thành công chuyến khảo sát hải dương học hỗn hợp Việt - Pháp trên tàu ANTEA và cùng Viện Hàn lâm Khoa học Nga chuẩn bị các chuyến khảo sát biển bằng tàu Viện sĩ Oparin và La ven chép trong năm tiếp theo.
Về công tác đào tạo: Viện Hàn lâm luôn quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà nội sau khi được tổ chức HCERES chứng nhận đạt chuẩn kiểm định Châu Âu năm 2023, tiếp tục khẳng định là một địa chỉ đào tạo uy tín và thu hút được hơn 1000 sinh viên cho năm 2024 và nâng quy mô đào tạo lên 3500 sinh viên. Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội vinh dự là một trong 18 trường đại học trong cả nước được Chính phủ lựa chọn để đầu tư trang thiết bị đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch – bán dẫn. Bên cạnh đó, Học viện Khoa học và Công nghệ và cơ sở đào tạo của Viện toán học tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, hiện đang hướng dẫn hơn 400 nghiên cứu sinh. Trong năm đã có 70 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, về cơ bản mỗi nghiên cứu sinh có từ hai công trình công bố quốc tế, tương đương tiêu chuẩn quốc tế.
Đối với công tác thông tin, truyền thông và xuất bản, Viện Hàn lâm luôn chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và nghiên cứu khoa học. Trang thông tin điện tử của Viện được duy trì hiệu quả, với hơn 3,5 triệu lượt truy cập tính đến tháng 11/2024, nâng tổng số lượt truy cập lên hơn 50 triệu. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng đối với Viện Hàn lâm. Viện đã nâng cấp hệ thống lưu trữ đám mây, đảm bảo truy cập và chia sẻ dữ liệu số hiệu quả. Mạng Vast Campus tại trụ sở chính cung cấp Internet tốc độ cao, hỗ trợ tra cứu thông tin khoa học nhanh chóng. Tính đến tháng 11/2024, đã có trên 600 nghìn lượt tải các công trình khoa học và hơn 7 nghìn lượt tải sách chuyên khảo. Hệ thống tạp chí khoa học chuyên ngành của Viện tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu tại Việt Nam. Toàn bộ 12 tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, với 5 tạp chí thuộc danh mục Web of Science, 6 tạp chí trong hệ thống Scopus, và 5 tạp chí đạt tiêu chuẩn ASEAN.
Các hoạt động thường xuyên khác của Viện Hàn lâm về công tác Tổ chức – Cán bộ và Kiểm tra, Văn phòng, Kế hoạch – Tài chính đã đi vào nề nếp đạt kết quả tốt, cùng với sự hoạt động tích cực của Hội Cựu chiến binh, Công đoàn và Đoàn thanh niên đóng góp vào các thành tích chung của Viện Hàn lâm…
Hội nghị tổng kết năm nay tiếp tục ứng dụng công nghệ mô phỏng âm thanh để trình bày báo cáo tổng kết chi tiết của Viện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, phát triển các lĩnh vực khoa học mới và triển khai chuyển đổi số. Đây là công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư Lương Chi Mai và các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Thông tin phát triển và tiếp tục hoàn thiện trong năm. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị các đại biểu đã được nghe một số báo cáo minh họa về tình hình hoạt động và kết quả của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm trong năm qua.
Nhằm biểu dương các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm đã trao tặng danh hiệu “Cờ Thi đua của Viện Hàn lâm” cho 05 đơn vị; trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua Viện Hàn lâm cho 04 cá nhân; trao danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 16 đơn vị và 28 tập thể phòng; tặng Bằng khen của Chủ tịch Viện cho 06 đơn vị, 03 tập thể phòng và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc và xuất sắc đột xuất trong công tác năm 2024.
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị:
Tặng Giấy khen của Cục trưởng Cục An ninh kinh tế cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024
Vinh danh 7 công trình xuất sắc của Viện Hàn lâm năm 2024
Tặng Danh hiệu Cờ thi đua của Viện Hàn lâm đối với 05 đơn vị
Trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Viện Hàn lâm cho 04 cá nhân
Trao tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cho 16 đơn vị đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác năm 2024
Trao tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cho 28 tập thể phòng và tương đương đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác năm 2024
Trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm cho 06 đơn vị và 03 tập thể phòng
Trao Tặng Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm cho các cá nhân có thành tích xuất sắc và xuất sắc đột xuất trong công tác năm 2024
Chụp hình lưu niệm. Ảnh: Trung tâm TTTL
Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam