Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện phương hướng, kế hoạch công tác của Viện Hàn lâm KHCNVN giai đoạn 2020-2025

Chiều ngày 26/6/2023, Viện Hàn lâm KHCNVN tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện phương hướng, kế hoạch công tác giai đoạn 2020-2025 do GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN chủ trì.

Một nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2020-2025 đã đi qua trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan tràn trên trong nước và trên thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt hoạt động của Viện Hàn lâm KHCNVN. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, sự đồng lòng quyết tâm và đoàn kết thống nhất của các đơn vị trực thuộc và các nhà khoa học, các hoạt động của Viện Hàn lâm KHCNVN vẫn tiếp tục được duy trì, phát huy, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Viện Hàn lâm được Đảng và nhà nước giao.

GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu khai mạc và chủ trì Hội nghị

Trong giai đoạn từ 2020 đến nay, Viện Hàn lâm KHCNVN tiếp tục giữ vị trí là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản, 4043 công trình công bố quốc tế (trong đó có 3.238 công bố thuộc danh mục SCI-E). Nhằm tăng cường chất lượng các công bố quốc tế của Viện, năm 2022, Viện Hàn lâm KHCNVN đã đổi mới phương pháp tính thành tích công bố và xác định các công trình công bố trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1, Q2 theo SCImago, hoặc có chỉ số IF ≥ 1 theo Web of Science, Citescore ≥ 2 theo Scopus. Theo cách tính mới, số lượng các công trình công bố chất lượng cao đạt 79,4% tổng số công trình công bố quốc tế. Đặc biệt, trong tổng số các công trình quốc tế, các công trình công bố quốc tế trên các tạp chí có chỉ số IF ≥ 3 chiếm 37%, tăng hơn 7% so với năm 2021. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Viện tổ chức xác định các công trình công bố xuất sắc trong năm của Viện cho các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Trong lần đầu tiên triển khai, Viện Hàn lâm đã lựa chọn được 05 công trình công bố xuất sắc theo các lĩnh vực Toán học – Công nghệ thông tin, Cơ học - Vật lý – Công nghệ Vũ trụ, Khoa học vật liệu, Khoa học Biển, Môi trường - Năng lượng. Viện sẽ tiếp tục triển khai công tác này trong giai đoạn tiếp theo. 

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến triển khai các nghiên cứu thực địa trong giai đoạn này, tuy nhiên với sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, hệ thống 140 đài trạm quan trắc các yếu tố môi trường tự nhiên tiếp tục được duy trì hoạt động ổn định. Các hoạt động điều tra cơ bản vẫn được triển khai tốt và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, phát hiện được nhiều loài mới, thu thập được các mẫu có giá trị: Xây dựng thành công hồ sơ Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng thuộc tỉnh Gia Lai và hiện nay Khu dự trữ này đã được Ủy ban UNESCO thế giới chính thức công nhận; Đã xây dựng được cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát triển đàn Voi hiện có tại tỉnh Quảng Nam phục vụ cho xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo tồn Voi Việt Nam...

Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu cơ bản và điều tra cơ bản, các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cũng được các nhà khoa học của Viện tích cực triển khai. Các đơn vị trực thuộc của Viện đã làm chủ được nhiều công nghệ lõi và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực KHCN khác nhau như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng, môi trường,... Trong giai đoạn từ 6/2020 đến nay các đơn vị trong Viện Hàn lâm đã được cấp 146 Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, trong đó có 04 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế.

Phó Chủ tịch Lê Trường Giang trình bày tóm tắt báo cáo sơ kết giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch giai đoạn 2020-2025 của Viện Hàn lâm KHCNVN

Trong giai đoạn này, các nhà khoa học và đơn vị của Viện Hàn lâm KHCNVN đã nhận được nhiều giải thưởng cấp Quốc gia và quốc tế về thành tích nghiên cứu khoa học như giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022, nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 của L’Oreal – UNESCO, giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng các năm 2021, 2022. Năm 2021, Viện Hàn lâm tiếp tục được Tổ chức Clarivate vinh danh là một trong những tổ chức dẫn đầu về đổi mới sáng tạo năm 2021 ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Đối với công tác ứng dụng triển khai, Viện Hàn lâm KHCNVN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các văn bản, chính sách, quy chế, tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ như cũng như đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về sở hữu trí tuệ, quảng bá và thương mại hóa sản phẩm, kết nối, chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, đơn vị với doanh nghiệp. Một số công nghệ đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đưa vào sản xuất như quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot với hiệu suất và hiệu quả cao, một số loại thực phẩm chức năng như CAFETASO, chế phẩm EPADET, LumbroEnzym, Nano Lycopen… đã được một số công ty như Công ty Dược phẩm Việt Nam, công ty TNHH thương mại và dược phẩm Bình Dương,... đưa vào sản xuất. Từ 6/2020 đến nay, các đơn vị trực thuộc đã thực hiện 1683 hợp đồng KHCN với tổng kinh phí là 550.95 tỷ đồng, trong đó có 1.536 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ với tổng kinh phí là 474 tỷ đồng.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ, Viện Hàn lâm KHCNVN đã thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ, nhất là các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế; quản lý số lượng người làm việc; đào tạo, bồi dưỡng; thi đua, khen thưởng...theo đúng kế hoạch đề ra. Trọng tâm là việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Nghị định mới số 106/2022/NĐ-CP ngày 24/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Nhằm nâng cao tiềm lực về cán bộ khoa học, Viện đã triển khai Chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ vào công tác tại Viện; Chương trình phát triển nhóm nghiên cứu xuất sắc nhằm hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh tại các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đạt trình độ quốc tế.

Về hoạt động hợp tác quốc tế kể từ nửa cuối năm 2022, sau khi đại dịch Covid về cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu, các hoạt động hợp tác quốc tế đã được kết nối và dần trở lại bình thường. Tính đến tháng 6/2023, Viện Hàn lâm đã tổ chức 09 đoàn ra cấp Viện Hàn lâm và đón tiếp 27 đoàn khách quốc tế. Viện Hàn lâm KHCNVN đã phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức thành công 02 chuyến khảo sát nghiên cứu vùng biển Việt Nam bằng tàu Viện sĩ Oparin và 01 chuyến bằng tàu Larventiev và tiếp tục chuẩn bị cho các chuyến khảo sát khác trong thời gian tới. Các đơn vị trực thuộc Viện đã thực hiện trên 120 đoàn đi công tác nước ngoài để trao đổi khoa học, tham dự hội nghị, hội thảo…, và tổ chức trên 50 hội thảo, lớp học quốc tế bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến...

Trong nửa đầu giai đoạn 2020-2025, hai trung tâm Toán học và Vật lý quốc tế được UNESCO bảo trợ tiếp tục hoạt động hiệu quả, tổ chức thành công nhiều hội nghi, hội thảo, lớp học quốc tế cho nhiều đối tượng khác nhau và tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu xuất sắc, thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nghiên cứu sinh xuất sắc và tài năng trẻ đến làm việc tại 02 trung tâm.

Một số đại biểu trình bày báo cáo tham luận tại Hội nghị

Công tác đào tạo của Viện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn vừa qua. Số lượng sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tại các cơ sở đào tạo của Viện đã tăng dần từng năm. Chất lượng đào tạo các cấp tại Viện đã dần được nâng cao. Trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến nay, Viện đã đào tạo thành công 172 tiến sĩ, 331 Thạc sĩ và 356 cử nhân. Các nghiên cứu sinh đã được nhận bằng tiến sĩ trong khoảng thời gian này, đều là tác giả của ít nhất 01 công trình công bố quốc tế. Đặc biệt là số lượng có từ 02 công trình công bố quốc tế trở lên là 151, đạt tỷ lệ 87%.

Bên cạnh việc triển khai các chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, Viện Hàn lâm tiếp tục thực hiện một số dự án, nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ giao như: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần; dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học KHCN Hà Nội; dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam; hoạt động hệ thống VNREDSAT-1; Đề án 515 quy tập và định danh liệt sỹ còn thiếu thông tin; hoạt động của bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

Bên cạnh các nhiệm vụ chính theo chức năng, các nhiệm vụ do Chinh phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Viện tiếp tục chú trọng, thực hiện tốt các công tác khác: công tác thông tin, truyền thông và xuất bản; công tác đầu tư XDCB, sửa chữa xây dựng nhỏ; Công tác công đoàn, Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, thi đua khen thưởng... nhằm tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, tạo lập môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học và công khai, minh bạch.

Hội nghị cũng đã được nghe lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và phương hướng, kế hoạch thực hiện trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Sau báo cáo sơ kết của Viện Hàn lâm KHCNVN, các đại biểu tham dự cũng đã nghe 8 báo cáo tham luận do đại diện các đơn vị trực thuộc trình bày. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, trao đổi đóng góp ý kiến xuất phát từ thực tiễn để Viện Hàn lâm KHCNVN triển khai tốt nhất kế hoạch 2020-2025 với mục tiêu phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đặt ra cho cả giai đoạn 2020-2025.

Chụp ảnh lưu niệm

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài viết liên quan