Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác với Viện Hàn lâm Rumani

Việt Nam và Rumani đã thiết lập quan hệ ngoại giao được hơn 70 năm và trong giai đoạn trước năm 1991. Rumani đã đào tạo một thế hệ cán bộ khoa học cho Việt Nam nói chung và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) nói riêng trong một số lĩnh vực thế mạnh như công nghệ thông tin, sinh học, dược phẩm… Nhằm củng cố quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với các đối tác Rumani, trên cơ sở đề xuất của Đại sứ quán Rumani tại Việt Nam cùng một số kết quả tích cực ban đầu của việc trao đổi khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin, VAST đã đàm phán với Viện Hàn lâm Rumani (RA) để cùng xây dựng và thúc đẩy hợp tác.

Thoả thuận hợp tác VAST-RA giai đoạn 2024-2028 đã được GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST và GS.VS. Ioan-Aurel Pop, Chủ tịch RA ký kết tại Hà Nội ngày 02/7/2024 và tại Bucharest ngày 10/7/2024, chính thức thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Việt Nam và Rumani. Đây là Thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa VAST và RA, với mục tiêu thúc đẩy và phát triển khả năng giao lưu, trao đổi những kiến thức khoa học và công nghệ; cùng thực hiện những hoạt động nghiên cứu và đào tạo chung giữa hai bên. Để triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác, VAST và RA đã ký kết quy trình tuyển chọn và đồng tài trợ thực hiện tối đa 02 nhiệm vụ hợp tác song phương/năm. Ngay sau khi quy trình được thông qua, VAST và RA đã cùng mở kêu gọi đề xuất dự án giai đoạn 2026-2027 với thời gian nộp hồ sơ đề xuất từ ngày 17/7/2024 đến ngày 30/9/2024.

        

Viện Hàn lâm Rumani (RA) được thành lập năm 1866, gồm có 76 Viện và Trung tâm nghiên cứu với số lượng gần 3 nghìn nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và khoa học tự nhiên và công nghệ. Các hướng nghiên cứu trong khoa học tự nhiên và công nghệ như toán học, công nghệ thông tin, vật lý, hóa học, sinh học, địa chất, kỹ thuật, nông lâm, y dược là thế mạnh của RA, trong đó mỗi hướng nghiên cứu do một Viện sĩ của RA đứng đầu và dẫn dắt hướng nghiên cứu này (Thông tin chi tiết một số Viện chuyên ngành của RA tham khảo tại đây).

RA có truyền thống nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; trong đó có một số Viện sĩ RA đã đi đầu trong nhiều lĩnh vực, đạt được những thành tựu nổi bật tại Rumani và trên thế giới; tiêu biểu là VS. Traian Vuia, nhà phát minh đã thực hiện một trong những chuyến bay sớm nhất thế giới; VS. Henri Coandă, chuyên gia về khí động học và cơ học chất lỏng; VS. Anghel Saligny, nhà tiên phong nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực xây dựng cầu kết cấu kim loại, đồng thời là một trong những người sáng lập ngành kỹ thuật Rumani; VS. Emil Racoviță, người đồng sáng lập lĩnh vực sinh học; VS. Grigore Antipa, người sáng tạo ra những mô hình sinh học sớm nhất trên thế giới; VS. Victor Babeș, tác giả của chuyên luận đầu tiên trên thế giới về vi khuẩn học; VS. Ștefan Nicolau, người sáng lập trường phái virus học Rumani; VS. Costin Nenițescu, người sáng lập và thúc đẩy các ngành hóa học mới ở Rumani, đồng thời là tác giả của một số chuyên luận nổi tiếng thế giới về hóa học hữu cơ và hóa học tổng quát; VS. Ana Aslan, bác sĩ lão khoa, người sáng lập Viện Lão khoa sau này mang tên bà và là người giữ bằng sáng chế của các loại thuốc chống lão hóa nổi tiếng Aslavital và Gerovital; VS. Marius Sabin Peculea, kỹ sư có đóng góp đáng kể trong việc sản xuất nước nặng, cần thiết cho chương trình hạt nhân của Rumani; Dorin Dumitru Prunariu, nhà du hành vũ trụ người Rumani duy nhất du hành ra ngoài vũ trụ; VS. Gheorghe Păun, người đã đưa lý thuyết điện toán màng vào khoa học máy tính, lấy cảm hứng từ hóa sinh và là người tiếp tục phát triển trường phái điện toán DNA của Châu Âu.

Hiện nay, VAST đã ký kết và đẩy mạnh hợp tác trong 15 năm qua với một số Viện Hàn lâm Khoa học tại các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Séc, Hungary, Bulgaria, Slovakia.... Việc chính thức hợp tác với RA năm 2024 là tiền đề thuận lợi cho cả hai Viện Hàn lâm phát triển mối quan hệ song phương trong thời gian tới, cùng kết nối với hệ thống Viện Hàn lâm Châu Âu; góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác và trao đổi khoa học toàn diện giữa các Viện Hàn lâm khoa học trên thế giới.

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài viết liên quan