Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực

Ngày 24/12/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KHCN, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXHVN), Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025 đã diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ hai với chủ đề “Nâng cao vai trò và đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng, địa phương” do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KHCN; GS. VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách Viện Hàn lâm KHXHVN; Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ chủ chốt của Bộ KHCN, Viện Hàn lâm KHCNVN, Viện Hàn lâm KHXHVN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM và sự tham gia của gần 200 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ; viện, trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học… 

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KHCN sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới, đồng thời Bộ trưởng cũng mong muốn sẽ nhận được sự đồng hành, tham gia phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp:

- Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động KHCN&ĐMST; nỗ lực toàn diện và đồng bộ nhằm tháo gỡ những bất cập trong hệ thống luật pháp và chính sách để KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách về kinh tế, đầu tư, thương mại; tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST nhất là từ doanh nghiệp;
- Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST để KHCN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; 
- Thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao;
- Thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế.

Tại Hội nghị, NCVCC. PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KHCNVN đã trình bày báo cáo tham luận “Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh các vùng chiến lược của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo định hướng của Bộ Chính trị” trên cơ sở bài học kinh nghiệm thực tiễn, sự thành công từ hai Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020. NCVCC. PGS. TS. Phan Tiến Dũng kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong khi nguồn lực nhà nước có hạn: cần đổi mới tư duy quản lý KHCN từ quản lý đầu vào sang quản lý kết quả đầu ra dựa trên hiệu quả và sự tác động; cần nghiên cứu xây dựng các chương trình KHCN trên cơ sở 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, các phân ngành ưu tiên, các tiểu vùng ưu tiên và cơ hội đầu tư; cần thúc đẩy mô hình các nhiệm vụ KHCN về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, có sự tham gia phối hợp và đối ứng kinh phí của doanh nghiệp. Sản phẩm đầu ra của các nhiệm vụ này là các sản phẩm thương mại, đạt các chỉ tiêu khoa học, kỹ thuật để được đăng ký lưu hành, phục vụ nhu cầu thực tiễn của thị trường, tạo ra sản phẩm mới theo đặt hàng của doanh nghiệp. Cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, triển khai công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học để nhân rộng tác động của KHCN.

NCVCC.PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KHCNVN) tại Hội nghị

Trong phiên thảo luận, GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN cho rằng cần thành lập các nhóm nghiên cứu xuất sắc ở các viện nghiên cứu, các trường đại học ở trung ương và địa phương để cùng phối hợp đề xuất, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ KHCN lớn, vừa khoa học cơ bản, vừa ứng dụng có tính cấp thiết cho địa phương.

GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận, trao đổi các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong triển khai hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn lực; đề xuất các giải pháp, cơ chế để có sự tham gia, phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ, quy định pháp luật, chính sách về khoa học và công nghệ. Đồng thời, hội nghị trao đổi, đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox) để thử nghiệm chính sách mới thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các viện, trường, địa phương; nâng cao vai trò và đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, vùng.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia đã tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến. Các ý kiến đóng góp sẽ được Bộ KHCN tiếp thu, tổng hợp với tinh thần trách nhiệm cao nhất để có thể đưa ra các đề xuất Chính phủ về chính sách, giải pháp,… nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nhân dịp Hội nghị, chiều ngày 24/12/2022, Đoàn Bộ KHCN do Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu đã tới thăm, làm việc với Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN. Tham dự buổi làm việc có GS. VS. Châu văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; GS. TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch và Lãnh đạo 2 đơn vị: Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học và một số đơn vị trực thuộc.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt làm việc tại Viện Khoa học vật liệu ứng dụng.

Tại buổi làm việc Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã nghe PGS.TS. Trần Ngọc Quyển, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và PGS.TS. Hoàng Thị Kim Dung, Viện trưởng Viện Công nghệ hóa học đã giới thiệu khái quát về sự hình thành, phát triển của 2 đơn vị từ khi thành lập đến nay và một số kết quả nổi bật của Viện trong năm 2022.

GS.VS. Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN biểu dương sự nỗ lực và vui mừng trước sự phát triển của 2 đơn vị là Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Công nghệ hóa học. Đây là các đơn vị có rất nhiều sản phẩm thương mại, triển khai các hợp đồng dịch vụ theo đặt hàng của doanh nghiệp, bên cạnh kết quả nghiên cứu ứng dụng những năm gần đây các đơn vị này cũng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, công bố quốc tế.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự tham gia tích cực của Viện Hàn lâm KHCNVN nói chung và của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Công nghệ hóa học nói riêng vào các hướng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Bộ KHCN, địa phương. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng chia sẻ thêm về một số Chương trình KHCN do Bộ quản lý để Viện và các nhà khoa học nghiên cứu, tham gia triển khai các ý tưởng, đề xuất, giải quyết các bài toán, vấn đề thực tiễn của người dân và địa phương và khi tham gia các Chương trình KHCN cấp Quốc gia phối hợp với các địa phương để xây dựng các đề xuất sát với thực tiễn, nhu cầu cấp thiết của địa phương để làm tăng hiệu quả, tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu. 

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã thăm các phòng thí nghiệm, mô hình triển khai và các sản phẩm thương mại của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học.

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam