Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030

Chiều ngày 15/3/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) và Bộ Công Thương đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030. Lễ ký kết nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN phục vụ phát triển ngành Công Thương trong giai đoạn mới, phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng KHCN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp.

Toàn cảnh Lễ ký kết

Tham dự buổi Lễ, về phía Bộ Công Thương có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công Thương và Trưởng các đơn vị thuộc Bộ.

Về phía Viện Hàn lâm KHCNVN có GS.VS. Châu Văn Minh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, các Phó chủ tịch và Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN.

Phát biểu tại buổi Lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm KHCNVN là những cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng nhiệm vụ được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật, khi thực hiện các chức năng nhiệm vụ luôn có sự kết nối, liên hệ, tương hỗ với nhau rất lớn (đầu vào bên này là đầu ra của bên kia và ngược lại). Với vai trò, sứ mệnh quan trọng trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Công Thương đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu công nghiệp và thương mại; trong đó, đã xác định vai trò nền tảng và động lực của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn Ngành. Điều này đã đặt ra yêu cầu và thách thức rất lớn cho hoạt động khoa học và công nghệ trong giai đoạn tới, đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ về tư duy, hành động và phương thức triển khai mới có tính đột phá.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Lễ ký kết

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá hoạt động KHCN ngành Công Thương trong thời gian vừa qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp vào thành công trên có sự tham gia rộng rãi của hệ thống các tổ chức, nhà khoa học trong và ngoài Ngành, đặc biệt là có sự góp sức của Viện Hàn lâm KHCNVN.

Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV cho đến nay, Lãnh đạo chủ chốt của Bộ và Viện đã nhận thấy sự cần thiết phải có chương trình phối hợp (đào tạo, hợp tác) giữa hai Ngành để nhân lên sự thành công trong thực thi chức năng nhiệm vụ của mỗi Ngành góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diễn cũng nhấn mạnh rằng đây là sứ mệnh của toàn Đảng, toàn dân nhưng Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ đóng vai trò quan trọng và phải chủ công trong nhiều lĩnh vực. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo hai ngành, hơn 1 năm qua, các đơn vị chức năng của hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, đề xuất nội dung chương trình hợp tác, tổ chức lấy ý kiến nhiều lần của các đơn vị liên quan và lãnh đạo hai bên, cập nhật những nội dung mới, thiết thực, khả thi trong chương trình phối hợp.

Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, GS.VS. Châu Văn Minh phát biểu tại Lễ ký kết

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch Châu Văn Minh cho biết Viện Hàn lâm KHCNVN là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Trong những năm gần đây, công tác hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao công nghệ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương được Đảng ủy và Lãnh đạo Viện đặc biệt quan tâm để góp phần đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cuộc sống. Việc hợp tác giữa các đơn vị, viện nghiên cứu của Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm cho đến nay đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Chính vì vậy, việc trao đổi, ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tập trung nguồn lực, giải quyết mốt số vấn đề lớn, cụ thể, bám sát định hướng phát triển của ngành công thương giai đoạn 5 năm và định hướng đến năm 2030 trên cơ sở thế mạnh, năng lực sẵn có của Viện Hàn lâm, qua đó cũng giúp cho các kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm nhanh chóng đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công Thương để đạt được mục tiêu đặt ra trong Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương báo cáo về Kết quả hợp tác trong lĩnh vực KHCN giữa Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm KHCNVN trong giai đoạn vừa qua

Báo cáo về Kết quả hợp tác trong lĩnh vực KHCN giữa Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm KHCNVN trong giai đoạn vừa qua, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết: Trong giai đoạn 2015-2020, Viện Hàn lâm KHCNVN đã đăng ký chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN tham gia các Chương trình, Đề án KHCN do Bộ Công Thương quản lý, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghiệp môi trường,… Thông qua các nhiệm vụ KHCN này, nhiều công nghệ đã được nghiên cứu phát triển, hoàn thiện và ứng dụng vào thực tiễn, giúp cải thiện quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm

Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030 tập trung vào các nội dung chính, gồm:

(1) Phối hợp nghiên cứu đề xuất, đặt hàng và triển khai các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ trong khuôn khổ các chương trình, đề án KHCN của Bộ Công Thương theo hướng ưu tiên phát triển, ứng dụng các công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa trình độ cao, công nghệ số để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, phát triển sản xuất thông minh và chuyển đổi số, giải quyết những thách thức mới trong quá trình phát triển ngành;

(2) Phối hợp trong nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và thực thi chiến lược, chính sách phát triển ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, góp phần thực thi các các Hiệp định thương mại đa phương, song phương;

(3) Phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối giữa Viện Hàn lâm KHCNVN và các tổ chức KHCN thuộc Bộ Công Thương với doanh nghiệp trong Ngành nhằm tư vấn, chuyển giao, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ mới, thúc đẩy, khuyến khích hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp;

(4) Phối hợp trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao cho ngành Công Thương nhằm kịp thời thích ứng với yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

(5) Đẩy mạnh trao đổi, cung cấp, cập nhật, chia sẻ thông tin, tư liệu, dữ liệu thống kê giữa hai bên về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài viết liên quan