Họp báo cung cấp thông tin định kỳ: Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ 06 tháng đầu năm 2024

Chiều ngày 12/7/2024, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Họp báo thông tin về Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ 06 tháng đầu năm 2024 do PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm chủ trì. Tham dự buổi Họp báo có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm cùng đại diện gần 40 cơ quan thông tấn, báo chí.

Trong 06 tháng đầu năm 2024, Viện Hàn lâm thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong “Chiến lược Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030” ban hành tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021; thực hiện quy trình thành lập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Việt Nam; Vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; Nhiệm vụ phát triển Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ứng dụng hệ thống giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing-NGS) bàn giao kết quả cho Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Hai Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý (được Unesco công nhận và bảo trợ) đã hoạt động hiệu quả góp phần khẳng định sự hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN.

Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các đối tác quốc tế được tăng cường, nổi bật là một số hoạt động: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là đại diện toàn quyền Việt Nam tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân (JINR); tăng cường lực lượng cán bộ khoa học của Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc tại JINR; hai bên đã thảo luận về dự án xây dựng phòng thí nghiệm chung, dự án phát triển Trung tâm Thông tin JINR tại Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu biển với các đối tác quốc tế: Phối hợp với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) triển khai chuyến khảo sát hải dương học hỗn hợp sử dụng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA trong vùng biển ven bờ Việt Nam với sự tham gia của 34 nhà khoa học hai bên; phối hợp với đối tác Nga xây dựng phương án thực hiện chuyến khảo sát đa dạng sinh học và hóa sinh biển chung lần thứ 9 bằng tàu “Viện sĩ Oparin” và chuyến khảo sát địa chất và địa vật lý biển chung lần thứ 2 bằng tàu “Viện sĩ Lavrentiev” trong vùng biển Việt Nam, thực hiện “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018 - 2025 giữa Viện Hàn lâm và Viện Hàn lâm Khoa học Nga”. Tiếp tục thực hiện vai trò là đầu mối của Chính phủ tại các tổ chức quốc tế như: Viện Phân tích Hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA), Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học (IOC),…

Cùng với đó, công tác ứng dụng, triển khai công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả: Phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn đến năm 2030 nhằm phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước; phối hợp với Bộ Công thương triển khai các nhiệm vụ về phát triển và làm chủ công nghệ chế biến sâu khoáng sản đất hiếm và các nhiệm vụ về công nghiệp sinh học, công nghiệp thực phẩm; ký kết hợp tác KH&CN với UBND tỉnh Quảng Nam đến năm 2030; đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu trực thuộc nhằm phát huy lợi thế của các bên, nâng cao hiệu quả ứng dụng và thương mại hóa công nghệ. Tính đến ngày 16/5/2024, Viện Hàn lâm được cấp 53 sáng chế và giải pháp hữu ích, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều kết quả nhiệm vụ KH&CN nổi bật 6 tháng đầu năm của Viện Hàn lâm có thể kể đến như: Nghiên cứu, chế tạo thành công Hệ thống chuẩn phục vụ kiểm định/hiệu chuẩn thiết bị đo bụi trong môi trường không khí” (ManDust) với công nghệ mới và sáng tạo là một sản phẩm đột phá trong lĩnh vực môi trường; chế tạo thành công mô hình thiết bị phản ứng hiệu năng cao dạng quay HP2R cho quy trình stripping nước thải có nồng độ ô nhiễm cao; xây dựng thành công quy trình công nghệ và bào chế thành công sản phẩm viên nén (bao phim) Lan Kim Tuyến và viên nén Sâm Đá hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân ung thư; tổng hợp thành công SPION/HAp - vật liệu lai siêu thuận từ có khả năng diệt tế bào ung thư bàng quang, mở ra hướng nghiên cứu triển vọng, ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực y sinh; chế tạo thành công Kit ELISA định lượng kháng nguyên ung thư CA125 chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng; làm chủ công nghệ chế tạo màng TiN trên nền hợp kim titan, định hướng ứng dụng trong ngành chấn thương chỉnh hình; xây dựng thành công quy trình công nghệ chiết xuất cao dược liệu Hương nhu tía và rau Sam đắng giàu hoạt chất và bào chế, sản xuất thử nghiệm thành công thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên có tác dụng hỗ trợ tăng cường trí nhớ; xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải bãi biển; làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu nano vô cơ và phụ gia ứng dụng trong công nghệ lớp phủ tiên tiến; xây dựng nền địa hóa đa mục tiêu quốc gia cho 06 tỉnh biên giới phía Bắc,…

Đối với công tác thông tin, truyền thông và xuất bản: Viện Hàn lâm luôn chú trọng đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Lãnh đạo Viện Hàn lâm và hoạt động nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc. Cổng Thông tin điện tử của Viện Hàn lâm luôn được duy trì và phát huy hiệu quả tốt, thực hiện công tác công khai minh bạch theo quy định, làm cầu nối giữa độc giả với các nhà khoa học, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về hoạt động và kết quả của Viện Hàn lâm; 6 tháng đầu năm 2024 đã có hơn 2 triệu lượt truy cập. 06 tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm đã vào hệ thống Scopus hoạt động theo cơ chế đặc thù và duy trì được hệ thống trích dẫn tốt. Công tác xuất bản sách tại Nhà Xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ (thuộc Viện Hàn lâm) hiện đã có nhiều đổi mới, tiếp tục khẳng định được vị trí trong thực hiện nhiệm vụ xuất bản sách khoa học tự nhiên và công nghệ. Năm 2024, Viện Hàn lâm phê duyệt 23 đầu sách về xuất bản sách chuyên khảo: Đã hoàn thành công tác chế bản, biên tập 07 bản thảo, chuẩn bị đưa vào xuất bản theo kế hoạch được phê duyệt.

Về kế hoạch 06 tháng cuối năm 2024: Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc; triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình Vật lý, Chương trình Toán học và Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực: Hoá học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025; Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo; Chiến lược quốc gia về công nghệ vũ trụ,... Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ KH&CN; tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống; xây dựng và triển khai chương trình thu hút nhà khoa học và cán bộ trẻ trình độ cao; triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 35-CT/TW 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

 

 

Đại diện các cơ quan báo chí và đại diện lãnh đạo các đơn vị trao đổi tại họp báo

Tại buổi họp báo các phóng viên, nhà báo cũng đã đặt nhiều câu hỏi, trao đổi  với đại diện lãnh đạo các đơn vị của Viện Hàn lâm để nắm thêm thông tin về nội dung mà Viện đã cung cấp, chủ yếu tập trung vào các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: thông tin các trận động đất mới xảy ra và hoạt động dự báo động đất của các Trạm quan trắc, tình hình nghiên cứu sản phẩm thay thế và xử lý rác thải nhựa, công tác triển khai ứng dụng khoa học công nghệ,… Các phóng viên, nhà báo cũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành và theo sát sự phát triển của Viện Hàn lâm, đồng thời bày tỏ mong muốn được Viện Hàn lâm tiếp tục tạo điều kiện trao đổi với các nhà khoa học, phản ánh chính xác, kịp thời các thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất của Viện và quảng bá một cách rộng rãi tới độc giả, từ đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của đông đảo quần chúng nhân dân.

Thay mặt Đảng ủy Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ và cộng tác của các nhà báo đối với Viện Hàn lâm trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động và tích cực của các nhà báo trong việc truyền tải các thông tin, các kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của Viện Hàn lâm tới xã hội, tăng cường mối quan tâm, sự ủng hộ và chia sẻ của cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế xã hội nước nhà.

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài viết liên quan