Trang Chủ
VIỆN HÓA HỌC CÁC HỢP CHẤT THIÊN NHIÊN
(1970 - 2019)
LỊCH SỬ
Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 65/CT ngày 5-3-1990 của Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong 40 năm, Viện Hoá học các Hợp chất thiên nhiên đã trải qua nhiều thời kỳ xây dựng và phát triển: Thời kỳ phát triển (1970-1985) là giai đoạn Viện tập hợp, xây dựng lực lượng, cơ sở vật chất, định hình các phương hướng nghiên cứu và triển khai của Viện. Thời kỳ chuyển đổi thành trung tâm dưới sự quản lý của Viện Khoa học Việt Nam (1985 - 1990): là giai đoạn “thử nghiệm mô hình tổ chức và cơ chế quản lý” của Viện KHVN nói chung và Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên nói riêng. Trong thời kỳ này nhiều phòng nghiên cứu, xưởng thực nghiệm thuộc Viện đã được phát triển. Đến năm 1990, sau 5 năm phát triển toàn diện và vững chắc, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định thành lập Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên với các chức năng và nhiệm vụ mới. Viện bắt đầu được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
CÁC LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU
-
Hóa hợp chất thiên nhiên: Nghiên cứu khai thác, sàng lọc các hợp chất thiên nhiên (các chất có hoạt tính sinh học, tinh dầu, hương liệu) từ tài nguyên sinh vật ở đất liền, dưới biển và vi sinh vật. Phát triển các phương pháp phân tích thành phần dược liệu thiên nhiên và tổng hợp, phân tích cấu trúc các hợp chất thiên nhiên. Tổng hợp và bán tổng hợp các chất có giá trị kinh tế, khoa học cao sử dụng trong các ngành y dược học, mỹ phẩm, công nghiệp...
- Hóa Sinh, Môi trường: Xây dựng và triển khai các phương pháp kiểm định, đánh giá hoạt tính sinh học các hợp chất có giá trị cao, các chỉ tiêu về vi sinh vật và các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm. Điều tra, sử dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên và tái chế để sản xuất các chế phẩm sinh học và các chất bảo quản, các loại thuốc trừ sâu, phân bón sinh học.
- Ứng dụng và triển khai: Nghiên cứu công nghệ phục vụ cho các ngành công nghiệp về các lĩnh vực hoá học các hợp chất thiên nhiên, công nghiệp dược, công nghiệp thực phẩm. Triển khai sản xuất, kinh doanh các hoá chất phục vụ công nghiệp dược, mỹ phẩm, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thăm dò và khai thác dầu khí. Tham gia tư vấn chuyển giao công nghệ, sản xuất chế phẩm. Thiết lập các lĩnh vực hợp tác đào tạo và hợp tác quốc tế.
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Ban lãnh đạo Viện
1. Viện trưởng: GS. TS. Phạm Quốc Long
2. Phó Viện trưởng: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Cường
3. Phó Viện trưởng: TS. Lê Tất Thành
Các phòng ban, cán bộ
Hiện nay, Viện có 12 phòng, trung tâm nghiên cứu chuyên môn cùng với các trạm nghiên cứu và Liên hiệp Khoa học - Sản xuất công nghệ hóa học (UCE). Tổng số cán bộ công chức là 82 người, trong đó có 5 GS và PGS, 1 Tiến sĩ Khoa học, 13 Tiến sĩ, 23 thạc sỹ, 33 cử nhân, kỹ sư và nhiều cán bộ kỹ thuât, thí nghiệm viên và người lao động khác.
Hội đồng khoa học
Gồm có 11 người. Chủ tịch hội đồng: PGS.TS Lê Mai Hương; 02 Phó Chủ tịch: GS.TS Phạm Quốc Long; PGS.TS Nguyễn Mạnh Cường; Thư ký: TS Lê Minh Hà.
ĐÀO TẠO
Viện được giao nhiệm vụ đào tạo Sau Đại học chuyên ngành Hoá học các Hợp chất thiên nhiên (mã số: 62.44.27.02) theo Quyết định số 521/TTg ngày 29/8/1995 của Thủ tướng Chính phủ.
MỘT SỐ THÀNH TƯU NỔI BẬT
Trong quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã đạt được nhiều thành tích vẻ vang và nhiều lần nhận bằng khen của Đảng và Chính phủ như Huân chương lao động hạng Nhì (2011), Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (2003), Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam (2010)... và là đơn vị mạnh trong các công tác đoàn thể.
Đã công bố hàng trăm bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước, xuất bản hàng chục sách chuyên khảo, giáo trình. Nghiên cứu và sản xuất nhiều chế phẩm đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
Đã thiết lập các quan hệ hợp tác khoa học và đào tạo với nhiều Viện và trường Đại học thuộc các nước có trình độ khoa học tiên tiến trên thế giới như Nga, Pháp, Đức, Italia, Hàn Quốc... và triển khai thực hiện nhiều đề tài Nghị định thư.
Hàng năm Viện đào tạo thành công nhiều tiến sỹ, cán bộ của Viện tham gia hướng dẫn nhiều thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư góp phần vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của đất nước.